Nguyên nhân Chiến_tranh_Nga–Nhật

Sau cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, triều đình Nhât Bản theo đuổi con đường hấp thụ các học thuật, ý tưởng và tiến bộ công nghệ của phương Tây. Không bao lâu đến cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã trỗi dậy từ một nước bế quan tỏa cảng và tự chuyển mình thành một quốc gia tiên tiến. Nhật triều không những muốn bảo vệ chủ quyền khi đối diện với Tây phương mà còn muốn sánh vai với các nước Âu Mỹ trên bàn cờ thế giới.

Trong khi đó Đế quốc Nga rộng lớn với nhiều tham vọng ở Đông Á đã đông tiến liên tục từ vùng Trung Á giáp Afghanistan đến tận bán đảo Kamchatka ở miền Viễn Đông vào cuối thập niên 1890.[5] Nga triều đốc thúc việc làm Đường sắt xuyên Sibir đến tận hải cảng Vladivostok để củng cố ảnh hưởng ở Đông Á. Đối với Nhật Bản đó là mối lo vì sợ vùng phên giậu Triều Tiên (và cả Mãn Châu) sẽ bị Nga chiếm đoạt. Nga thì muốn mở một hải cảng bên Thái Bình Dươngmùa đông không bị đóng băng để phục vụ nhu cầu quân sự lẫn mậu dịch. Vladivostok là hải cảng tốt nhưng chỉ hoạt động được vào mùa ấm; trái lại hải cảng Lữ Thuận mà Nga được quyền sử dụng trên bán đảo Liêu Đông của nhà Thanh thì có thể dùng được quanh năm. Từ khi kết thúc Chiến tranh Thanh-Nhật đến 1903 Sa hoàng và Nhật triều mở nhiều đợt đàm phán muốn phân chia quyền lực ở Đông Á với Nga giữ Lữ Thuận nhưng hai bên không đi đến đồng thuận. Rốt cuộc, Nhật Bản chọn chiến tranh để bảo vệ lãnh thổ vì cho rằng việc bành trướng của Nga ở miền Viễn Đông sẽ đe dọa quyền lợi của Nhật, nhất là ở Triều Tiên vốn coi như thuộc quốc. Các nước Âu châu phần lớn ủng hộ Nga tuy về ngoại giao đều tuyên bố trung lập. Vương quốc Anh thì ủng hộ Nhật Bản vì coi Nga là đối thủ đang muốn tràn xuống Ấn Độ.

Khi chiến cuộc nổ ra quân đội Nhật Bản tuy non trẻ đã đánh thắng quân Nga liên tục, trăm trận như một. Đối với giới quan sát quốc tế đó quả là sự bất ngờ. Cuộc chiến hoàn toàn thay đổi cán cân quyền lực ở Đông Á, đưa Nhật Bản vào một vị thế mới trên chính trường quốc tế. Nga triều theo Hòa ước Portsmouth phải triệt thoái khỏi Triều Tiên, miền Nam Mãn Châu và còn phải cắt đất trên đảo Sakhalin nhường cho Nhật nên bị công chúng Nga lên án gay gắt vì tội bất tài làm nhục quốc thể cùng phung phí tài nguyên. Đó cũng là động lực lớn dẫn đến cuộc Cách mạng Nga 1905.

Chiến tranh Thanh-Nhật

Nhật triều coi bán đảo Triều Tiên với giá trị quân sự tối trọng đối với Nhật Bản thì ai kiểm soát Triều Tiên sẽ đe dọa nền an ninh quốc gia. Điều kiện tối thiểu thì Nhật muốn duy trì Triều Tiên như một nước độc lập trong vòng ảnh hưởng của Nhật. Khi Nhật Bản đánh bại quân nhà Thanh trong Chiến tranh Thanh-Nhật thì Điều ước Shimonoseki đã buộc Bắc Kinh phải chấm dứt quan hệ thượng quốc với chư hầu triều cống Triều Tiên, công nhận triều đình nhà Lý Triều Tiên là vương quốc độc lập, lại thêm phải cắt Đài Loan, quần đảo Bành Hồ cùng bán đảo Liêu Đông (Lữ Thuận) giao cho Nhật Bản năm 1895.

Tuy đứng ngoài cuộc chiến giữa nhà Thanh và Nhật Bản, Đế quốc Nga lúc bấy giờ nhận thấy nếu để Nhật tiếp thu toàn thể các khu vực trong Điều ước Shimonoseki sẽ làm suy yếu thì nhà Thanh và Nhật sẽ chiếm địa vị cường quốc số một ở Viễn Đông. Bằng cách thuyết phục ĐứcPháp cùng gây áp lực ngoại giao với Nhật triều, cả ba nước Nga-Đức-Pháp đã ép Nhật từ bỏ bán đảo Liêu Đông để nhận một khoản bồi thường binh phí lớn hơn. Nhật miễn cưỡng thuận theo nhưng coi đó là mối hận bị Nga phỗng tay cướp lấy món mồi béo bở vì ngay sau đó, Nga đã điều đình với nhà Thanh để chiếm lấy Lữ Thuận.

Nga tiến bước

Tháng 12 năm 1897, hạm đội Nga cập bến ở cảng Lữ Thuận. Ba tháng sau, vào đầu năm 1898, Nga triều và nhà Thanh ký hiệp định mở cảng Lữ Thuận cùng vũng Đại Liên cho Nga chiếm đóng và khai thác. Hiệp định này cũng bỏ ngỏ việc cho Nga có quyền muốn khuếch trương căn cứ mai sau nếu hai bên cùng thỏa thuận. Nga thì tự đắc vì không phải lao lực mà vẫn sở hữu cảng Lữ Thuận nước ấm bên bờ Thái Bình Dương với giá trị chiến lược quan trọng. Qua năm sau, để củng cố vị thế, Nga bắt đầu làm đường sắt từ Harbin qua Thẩm Dương (Phụng Thiên) đến Lữ Thuận hoàn tất việc thủy bộ nối nhau để dễ bề vận chuyển. Việc xây đường sắt tuy nhiên bị thần dân nhà Thanh chống đối, nổ ra phong trào Nghĩa Hòa Đoàn. Quân Nghĩa Hòa Đoàn đốt phá các ga ở Thiết Lĩnh và Liêu Dương.

Cùng khi đó Nga cũng tìm đường xâm nhập Triều Tiên. Năm 1898, triều đình Triêu Tiên cấp giấy phép cho người Nga khai mỏ và đẵn gỗ ở lưu vực sông Áp LụcĐồ Môn (Tumen).[6] Những biến chuyển đó làm Nhật Bản lo ngại.

Tình hình Trung Hoa và mầm mống can thiệp

Tình hình Trung Hoa lúc bấy giờ rối ren. Loạn quân Nghĩa Hòa Đoàn ngày càng mạnh, lan từ Sơn Đông đến cả miền Hoa Bắc. Quan quân triều đình nhà Thanh tỏ ra bất lực không sao dẹp được. Loạn quân lại nhắm vào người ngoại quốc mà chém giết, nhất là giáo dân theo đạo Thiên Chúa; họ trương khẩu hiệu "Phù Thanh diệt dương" (chữ Hán: 扶清滅洋) đòi diệt các thế lực Tây phương để củng cố hoàng triều. Thanh triều lúc đầu coi loạn quân là phản tặc, sau vin vào quân Nghĩa Hòa mà ngấm ngầm dung túng để đánh đuổi các nước Tây phương. Năm 1900 các sứ quán Âu Mỹ ở Bắc Kinh bị loạn quân bao vây. Các cường quốc trách cứ nhà Thanh gian trá rồi cả tám nước, trong đó có Nga và Nhật lập đội Bát quốc liên quân kéo từ cửa biển Thiên Tân lên Bắc Kinh để giải vây các sứ quán. Ngoài ra Nga lợi dụng việc này để kéo quân xâm lược Mãn Châu[7], nhưng cũng trấn an các cường quốc kia rằng quân Nga sẽ rút lui sau khi vãn hồi trật tự. Tuy vậy mãi đến năm 1903, tức hơn ba năm sau vụ giải cứu Bắc Kinh, Nga vẫn không định rõ ngày tháng lui quân.[8] Không những thế Nga còn gia tăng sự hiện diện tại Mãn Châu. Ngày 15 tháng 5 năm 1903, Sa hoàng Nikolai II xuống chiếu chủ trương loại trừ ảnh hưởng "ngoại bang" ở Mãn Châu và dốc sức xây dựng quân lực Nga ở Viễn Đông.[9]

Nỗ lực giải quyết xung khắc Nhật Nga

Đại diện cho Nhật triều là Itō Hirobumi, người mở cuộc đàm phán với Nga để giải quyết quyền lợi hai nước ở Đông Á. Vì cho rằng binh lực Nhật không bằng Nga nên ông coi việc gây chiến với Nga là hạ sách, chi bằng điều đình để Nga kiểm soát Mãn Châu và ngược lại Nhật được toàn quyền ở Triều Tiên. Đó là chủ trương bề mặt của Nhật lúc bấy giờ. Trong khi đó trên bàn cờ thế giới, Nhật Bản và Anh cùng ký hiệp ước Liên minh Anh-Nhật năm 1902. Anh vốn coi Nga là đối thủ nên muốn tìm cách kềm hãm hải quân Nga không thể sử dụng triệt để những hải cảng bên Thái Bình Dương như VladivostokLữ Thuận. Bằng cách liên minh với Nhật, Anh đã đạt được mục đích hạn chế sự bành trướng của Nga. Ngược lại Nhật cũng nhờ vào Anh để vô hiệu hóa các cường quốc Âu châu khác muốn can thiệp giúp Nga vì không ai muốn gây hấn với hải quân Anh.

Ngày 23 tháng 6 năm 1903, Thiên hoàng Minh Trị đi đến kết luận rằng chiến tranh với Nga là việc không tránh được.[9] Ngày 28 tháng 7 thì đại sứ Nhật Bản tại Sankt-Peterburg nhận chỉ thị để lên lên Bộ Ngoại giao Nga phản đối việc Nga chiếm đóng Mãn Châu suốt ba năm qua. Giao thương hai nước phải đình chỉ. Sang đầu năm 1904, ngày 13 tháng 1 Nhật ra công bố rằng Mãn Châu và Triều Tiên đều nằm ngoài vòng ảnh hưởng của Nga và đòi Nga rút lui. Hơn một tháng sau, ngày 6 tháng 2 vì không thấy Nga có phản ứng gì, đại sứ Nhật là Kurino Shinichiro ra trình diện Thượng thư Bộ Ngoại giao Nga là Bá tước Lamsdorf và cáo từ, lên tàu về nước.[10] Kể từ lúc đó, hai nước đoạn giao.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Nga–Nhật http://www.csmonitor.com/2005/1230/p04s01-woap.htm... http://books.google.com/books?id=9J9Dt6EQHs8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jr8CAAAAYAAJ&dq=%... http://books.google.com/books?vid=ISBN1873410867&i... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=990... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9C0... http://www.nytimes.com/1904/02/29/archives/report-... http://rus-sky.com/history/library/w/w01.htm http://rusnavy.com/history/hrn10-e.htm http://www.russojapanesewar.com/